Ba xu hướng lớn của thị trường đồng hồ Thụy Sỹ trong tương lai
Kết quả khảo sát của Deloitte cho thấy, tỷ lệ lạc quan của giới điều hành cấp cao các thương hiệu đồng hồ Thụy Sỹ đối với triển vọng tổng thể ngành công nghiệp đồng hồ sau ba quý đầu năm 2021 là 77%. Đây là con số mang tính bước ngoặt bởi cách đây một năm có đến 85% các nhà điều hành có thái độ bi quan về triển vọng trong năm tới, từ đó có thể thấy rằng ngành công nghiệp đồng hồ bắt đầu hồi sinh mạnh mẽ từ năm 2021.
Hơn nữa sự lạc quan của giới điều hành cao cấp các thương hiệu đồng hồ Thụy Sỹ đã có số liệu thực tế chứng minh. Nếu so sánh kim ngạch xuất khẩu đồng Thụy Sỹ của năm 2019 và giai đoạn tháng 1-8/2021, giá trị xuất khẩu tăng 1,7% với thời điểm chưa bùng phát dịch bệnh.
Tuy nhiên, đáng lưu ý là sản phẩm đồng hồ của những công ty này thường có giá trị từ 5.000 CHF (5.400 USD) trở lên. Do đó sự tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu nói trên chủ yếu liên quan đến đồng hồ cao cấp.
Trên thực tế số lượng xuất khẩu đồng hồ của Thụy Sỹ vẫn giảm dần theo từng năm do doanh thu đồng hồ thạch anh có giá cả vừa phải không thể cạnh tranh với đồng hồ thông minh. Hiện nay xuất xứ chủ yếu của đồng hồ thông minh là ở châu Á.
Chẳng hạn, năm 2010, doanh thu đồng hồ thạch anh chiếm 28% doanh số ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sỹ. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã giảm một nửa xuống còn 14% vào năm 2020. Theo các chuyên gia đồng hồ của Deloitte, doanh thu các sản phẩm này sụt giảm đã gây ảnh hưởng tiêu cực đối với quy mô của toàn bộ ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sỹ.
Bên cạnh hiện trạng của ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sỹ nói trên, báo cáo nghiên cứu của Deloitte cũng đặc biệt nhấn mạnh đến 3 xu hướng liên quan đến ngành công nghiệp công nghiệp đồng hồ trong thời gian tới.
Thị trường đồng hồ cũ “lên ngôi”
Từ trước đến nay, phần lớn các thương hiệu đồng hồ Thụy Sỹ đều không chú ý đến thị trường đồng hồ cũ, thậm chí xem đây là một mối đe dọa tiềm tàng đối với các sản phẩm mới. Nếu trong bối cảnh thị trường lạc quan, việc các thương hiệu không quan tâm đến thị trường đồng hồ cũ có thể xem là điều hợp lý, nhưng hiện nay việc mở rộng phạm vi kinh doanh sẽ hiệu quả hơn đối với các thương hiệu.
Do đó, sau khi khảo sát quản lý cao cấp của các thương hiệu đồng hồ Thụy Sỹ, Deloitte phát hiện, hiện nay đã có khoảng 65% các nhà quản lý thương hiệu đang hoặc có ý định triển khai nghiệp vụ CPO (giám định hàng đã qua sử dụng). Hơn nữa báo cáo nghiên cứu còn thực hiện phép so sánh, theo đó số lượng người sẵn sàng mua đồng hồ cũ trong năm 2021 tăng hơn 11% so với năm 2020.
Các chuyên gia đồng hồ của Deloitte nhấn mạnh, hiện nay thị trường đồng hồ cũ đang phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa và tổ chức hóa. Chỉ trong vòng vài năm, một số tập đoàn đồng hồ hoặc bán lẻ đã lần lượt mua lại các nền tảng giao dịch đồng hồ cũ trực tuyến, chẳng hạn Richemont mua lại Watchfinder & Co, Watches of Switzerland Group (bao gồm Analog Shift)… Từ những động thái này có thể thấy rằng, tiềm năng thực sự của thị trường đồng hồ cũ tương đối lớn.
Sự quan tâm của giới trẻ đối với đồng hồ cơ
Khi thế hệ Y và thế hệ Z (những người sinh cuối thập niên 1990 đến đầu thập niên 2010) dần trưởng thành và hiểu biết, hứng thú của họ đối với việc sưu tập đồng hồ cũng bắt đầu được thể hiện. Chúng ta có thể định kiến cho rằng thế hệ Z lớn lên trong môi trường thiết bị điện tử thịnh hành, không hứng thú đối với máy móc truyền thống. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy sự quan tâm đối với đồng hồ cơ của thế hệ Z lớn hơn nhiều so với những đánh giá trước đây.
Khi được phỏng vấn, giới trẻ thuộc thế hệ này cho biết có thể mua một chiếc đồng hồ nếu có nguồn tài chính 5.000 CHF, họ sẵn sàng lựa chọn mua một chiếc đồng hồ cao cấp có giá trị thủ công tương đối cao còn hơn mua một chiếc đồng hồ thông minh mỗi năm thay đổi một lần trong vòng 10 năm.
Mặc dù số lượng và tỷ lệ người đeo đồng hồ thông minh hiện nay đều đang gia tăng, nhưng khảo sát cũng phát hiện rằng, có khoảng 23% người tiêu dùng đồng thời dùng cả đồng hồ cơ lẫn đồng hồ thông minh, tùy thuộc vào các hoàn cảnh khác nhau.
Hiện nay, phần lớn người tiêu dùng vẫn có xu hướng mua đồng hồ ở các cửa hàng. Nhưng gần một nửa người được khảo sát cho biết họ sẵn sàng mua đồng hồ thông qua các kênh như thương mại điện tử, đấu giá cộng đồng hoặc trực tuyến…
Deloitte nhấn mạnh, hiện nay số lượng doanh thu và kiểu dáng đồng hồ của phần lớn các thương hiệu đồng hồ cao cấp được giao dịch thông qua các nền tảng thương mại điện tử tương đối ít. Dịch bệnh đã làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng, do đó các thương hiệu cũng cần phải quan sát nhịp đập của thị trường một cách tinh tế hơn, không thể xem nhẹ sức ảnh hưởng của kênh bán hàng trực tuyến.
Thị trường quan tâm hơn đến tính bền vững của vật liệu chế tạo đồng hồ
Trong kỷ nguyên chú trọng bảo vệ môi trường, người tiêu dùng thích mua những sản phẩm thân thiện với môi trường, họ muốn tìm hiểu nguồn gốc nguyên liệu của sản phẩm có phù hợp với tiêu chí đạo đức hay không. Việc gia tăng phổ biến về nhận thức bảo vệ môi trường cũng ảnh hưởng đến tư duy của tầng lớp điều hành các thương hiệu đồng hồ Thụy Sỹ.
Nghiên cứu của Deloitte cho thấy, hiện nay khoảng 72% thương hiệu đang mở rộng đầu tư vào các nguồn tài nguyên bền vững, mục đích chính là giảm thiểu phát thải carbon, giảm bớt gánh nặng của quá trình sản xuất đồng hồ đối với môi trường toàn cầu.
Khi đề cập đến tài nguyên bền vững, giới điều hành của các thương hiệu đồng hồ Thụy Sỹ đầu tiên tập trung vào việc tìm kiếm nguồn cung có đạo đức, đồng thời quan tâm đến vật liệu sử dụng trong quá trình sản xuất và đóng gói có phù hợp với tiêu chí bảo vệ môi trường hay không.
Trong đó, một số giám đốc thương hiệu trực tiếp cho biết, người tiêu dùng hiện đại sẽ tích cực quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ của vật liệu như da, vàng, kim cương được sử dụng trong đồng hồ. Do đó một trong những xu hướng của tương lai là các thương hiệu phải ngày càng công khai thông tin đối với quy trình sản xuất đồng hồ và chuỗi cung ứng để có được niềm tin và sự ưa chuộng của người tiêu dùng đối với sản phẩm./.